Dùng thuốc chẹn beta trong điều trị tim mạch Người bệnh cần lưu ý gì?
Nhóm thuốc chẹn beta được dùng không chỉ trong điều trị tăng huyết áp mà còn dùng trong đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim.
Nhóm thuốc chẹn beta được dùng không chỉ trong điều trị tăng huyết áp mà còn dùng trong đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim. Việc chọn lựa thuốc thích hợp cho các bệnh này do thầy thuốc quyết định, song người bệnh cần hiều rõ các tác dụng phụ, tương tác của chúng để dùng đúng, tránh tai biến. Một số thuốc trong nhóm này như atenolol, metoprosol, bisoprolol, propranolol, narodol, timolol, carvediol, lebatol...
Khi dùng nhóm thuốc này, một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như gây ra hoặc làm nặng thêm suy tim, gây co thắt phế quản...
Cũng cần chú ý tới sự tương tác với các thuốc dùng đồng thời, trong đó có tương tác làm nặng thêm tác dụng phụ của thuốc. Đới với các thuốc hạ huyết áp khác, thuốc làm tăng hiệu lực hạ huyết áp, song cũng làm tăng tác dụng phụ của chẹn beta (làm chậm nhịp tim, tụt huyết áp mạnh, gây ra hoặc làm nặng thêm suy tim, gây block nhĩ - thất, còn có thể gây loạn nhịp tim). Mức tương tác cũng khác nhau. Với nhóm lợi niệu (thiazid) vẫn có thể phối hợp được, nhưng cần điều chỉnh liều; Nếu trước đó đã dùng lợi niệu thì phải ngừng lợi niệu vài ba ngày rồi mới dùng chẹn beta; Nếu muốn dùng cùng lúc thì phải khởi đầu chẹn beta liều thấp. Với nhóm chẹn canxi (bebridil, nifedipin, diltiazem, verapamil) tương tác ở mức nghiêm trọng, dẫn tới suy tim, tuyệt đối không phối hợp.
Khi dùng chung với thuốc chống loạn nhịp khác (như propafenon amiodaron, quinidin, disopyramid), chẹn beta làm tăng tính ức chế tim (gây rối loạn co bóp tim), tăng sự làm chậm dẫn truyền nhĩ thất lên quá mức (gây rối loạn dẫn truyền), hủy các tác dụng điều hòa tim mạch và điều hòa giao cảm làm mất tác dụng của các thuốc này.
Do có những tác dụng phụ và các tương tác trên, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối sự chỉ định của thầy thuốc, không tự ý chọn thuốc hay thay đổi thuốc. Thực hiện đúng lịch khám định kỳ, chấp hành sự điều chỉnh thuốc nếu có, dùng đúng liều, khởi đầu liều thấp rồi tăng dần đến liều hiệu lực, không tự ý tăng liều theo cảm giác chủ quan (liều cao không tăng hiệu lực mà tăng tác dụng phụ).
Việc dùng lâu dài cơ thể đã quen với trạng thái ức chế nên không ngừng thuốc đột ngột, vì ngừng đột ngột sẽ làm tăng chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp thất. Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy có biểu hiện suy tim thì báo ngay với thầy thuốc để được xử lý kịp thời. Khi đến phòng khám người bệnh cần mang theo y bạ để thầy thuốc nắm chắc tình trạng chung về thận, gan và có xử lý thích hợp.
Theo SKDS