Phụ nữ làm văn phòng dễ bị bệnh 'vùng kín'
Những người làm văn phòng ưa sạch sẽ và cũng có điều kiện để sạch. Thế nhưng cũng chính điều kiện làm việc và thói quen vệ sinh khiến họ dễ mắc bệnh phụ khoa.
Những người làm văn phòng ưa sạch sẽ và cũng có điều kiện để sạch. Thế nhưng cũng chính điều kiện làm việc và thói quen vệ sinh khiến họ dễ mắc bệnh phụ khoa.
“Ngày tắm hai lần, mỗi khi đi tiểu tiện xong đều vệ sinh nước sạch, nhưng không hiểu sao em liên tục bị nấm, viêm nhiễm chỗ kín, chẳng biết do nguồn nước hay em làm thế vẫn chưa sạch?”, Thanh Thúy, 25 tuổi, nhân viên kế toán một công ty kinh doanh đồ điện gia dụng, bày tỏ. Chồng cô kỹ sư cầu đường, tháng mới được về nhà một lần, nhưng nhiều khi lại đúng vào những ngày Thuý bị viêm nhiễm nên hầu như "chẳng làm ăn được gì".
Tương tự, chị Quỳnh Hoa - nhân viên thu của một chi nhánh bưu điện ở Hà Nội, không hề trễ nải chuyện vệ sinh, luôn dùng băng vệ sinh hằng ngày, thay rửa thường xuyên mỗi ngày 5-6 lần, nhưng bệnh viêm âm đạo vẫn hay tái phát.
Giải thích về hiện tượng trên, tiến sĩ y khoa Hoàng Thị Dung (chủ tịch hội đồng quản trị của Hanoi Medicare) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhân viên văn phòng thường mắc bệnh phụ khoa là làm việc lâu trong môi trường điều hòa. Khi bước ra ngoài, môi trường thay đổi đột ngột, độ ẩm tăng lên, khiến quần áo bị ẩm, tạo điều kiện thuận lợi để cho vi sinh vật xâm nhập và phát triển. Bên cạnh đó, cách làm việc ngồi nhiều giờ đồng hồ trên ghế cũng khiến “cô bé” bị bí, nóng và ẩm ướt, dễ phát sinh bệnh.
Thói quen sạch sẽ thái quá của chị em cũng là một nguyên nhân. Lan làm ở một công ty tư vấn nhà đất tại Hà Nội, phàn nàn: "Cứ một vài tháng là em lại phải đi khám và đặt thuốc một lần, mặc dù em giữ vệ sinh ghê lắm, ngày nào cũng dùng dung dịch phụ nữ mấy lần, buổi tối khi tắm em thường dùng vòi xịt thẳng vào rửa".
Nhiều báo cáo y tế cho thấy, trái với suy nghĩ của nhiều người rằng chỉ phụ nữ nông thôn, những chị em không có điều kiện vệ sinh, sử dụng nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm thì mới bị bệnh phụ khoa, thực tế tỷ lệ mắc bệnh này ở thành thị, ở những người làm công việc có thể "ăn trắng mặc trơn" cũng không nhỏ. Một khảo sát trên 80.000 phụ nữ ở cả ba miền đất nước do Trung tâm Giải phẫu Bệnh - Tế bào Bệnh học, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho thấy trên 70% số phụ nữ đi khám bị mắc các bệnh viêm đường sinh dục, trong đó sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn là không đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm y khoa Hanoi Medicare (Hà Nội), trong số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa đến khám, phần lớn là nhân viên văn phòng. Trong đó, tỷ lệ viêm nhẹ chỉ chiếm gần 20%, còn viêm nặng là hơn 30%, viêm diện rộng chiếm tới hơn 50%. Kết quả này khiến cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều ngạc nhiên bởi từ trước tới nay, nhân viên văn phòng luôn được coi là sạch sẽ. |
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, việc rửa âm đạo nhiều lần trong ngày nhưng lại không lau và thấm cho thật khô cũng khiến vùng kín luôn ẩm, nhất là khi người phụ nữ phải ngồi gần như suốt ngày làm việc. Nếu chị em lại dùng băng vệ sinh hằng ngày có thể "ủ nóng" cho vùng không được làm khô ráo sau khi rửa khiến vi khuẩn sinh sôi, nhất là nếu không thay băng thường xuyên.
Việc lau chỗ kín khi đi vệ sinh bằng loại giấy không đảm bảo chất lượng cũng là một yếu tố gây dị ứng, kích ứng và viêm nhiễm vùng kín. Mặt khác, nếu chị em không rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi vệ sinh cho "cô bé" thì chính họ có thể đã đưa mầm bệnh vào cơ quan sinh dục của mình.
Do đó, để tránh bệnh phụ khoa, chị em văn phòng không nên mặc quần chật, chọn chất liệu thoáng mát, tránh loại đồ lót chật, quần lọt khe hay làm bằng chất bí mồ hôi. Nên vệ sinh âm đạo bằng bàn tay sạch thực sự, sau đó thấm thật khô bằng khăn hoặc giấy đảm bảo vệ sinh. Tránh dùng dung dịch vệ sinh quá nhiều và không thụt rửa vào trong. Nếu bạn dùng băng vệ sinh hằng ngày để đối phó với tình trạng ra nhiều khí hư, nên thay thường xuyên.
Tiến sĩ Dung lưu ý, một nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ văn phòng bị bệnh phụ khoa nặng là họ không tin mình có bệnh này để đi khám sớm, bởi họ thường xuyên giữ vệ sinh tốt, có điều kiện sống tốt. Vì thế khi cầm kết quả chẩn đoán trong tay, không ít chị nghi ngờ, thắc mắc. Tốt nhất là khi có biểu hiện khác thường ở vùng kín, chị em nên đi khám ngay.
(Theo Mẹ & Bé)