Nguyên nhân khiến 40% nam giới bị vô sinh hiếm muộn
20% nam giới trên 20 tuổi bị giãn tĩnh mạch tinh (TMT) nhưng thường ít được quan tâm, trong khi có tới 40% các trường hợp hiếm muộn vô sinh nam được phát hiện bệnh này.
20% nam giới trên 20 tuổi bị giãn tĩnh mạch tinh (TMT) nhưng thường ít được quan tâm, trong khi có tới 40% các trường hợp hiếm muộn vô sinh nam được phát hiện bệnh này.
Giãn TMT là tình trạng TMT và đám rối TMT giãn bất thường tạo thành dây ngoằn ngoèo hoặc thành búi trong bìu. Giống như tinh hoàn, TMT ban đầu cũng nằm trong ổ bụng, với việc đi xuống của tinh hoàn xuống bìu, TMT ngày càng được dài ra. TMT bên phải thường đổ về tĩnh mạch chậu phải, TMT trái dài hơn và đổ thẳng về tĩnh mạch thận, TMT trái bị đoạn phân nhánh của động mạch chậu chèn lên. Hơn nữa, về cấu trúc của TMT trái thường có ít van hơn hoặc không có van như TMT phải (có lẽ do TMT trái bị kéo dãn trong nhiều quá trình đi xuống) nên trên lâm sàng 90% bệnh lý giãn TMT gặp ở bên trái, ít gặp ở bên phải và giãn TMT cả hai bên.
Có khoảng 1% trẻ bị giãn TMT trước tuổi dậy thì và khi bước vào tuổi dậy thì thì tỷ lệ tăng lên 2 - 16%, sau 15 tuổi tỷ lệ trên 20%. Điều đáng nói, bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng gì ngoài sờ thấy, nhìn thấy búi TMT hoặc một vài TMT giãn đơn thuần. Do đó, bệnh ít được phát hiện vì ít được sự quan tâm của bệnh nhân cũng như các bác sĩ đa khoa nhưng chúng thường được phát hiện khi người bệnh đi khám hiếm muộn.
Có tới 40% các trường hợp hiếm muộn vô sinh nam được chẩn đoán giãn TMT. Số ít trường hợp có biểu hiện triệu chứng như có cảm giác đau tức, nặng nặng ở bìu, đau không rõ ràng thành cơn, cơn đau thường xuất hiện khi đứng lâu, ngồi nhiều nhưng khi nằm nghỉ ngơi thì lại tự đỡ. Hiếm gặp hơn nữa là teo tinh hoàn, tinh hoàn bên trái nhỏ và mật độ chắc hơn bên phải.
Giãn TMT làm gia tăng nhiệt độ trong bìu và tinh hoàn nên làm tinh trùng yếu và chết, vì vậy, phần lớn bệnh nhân bị giãn TMT có số lượng tinh trùng ít và tinh trùng yếu. Có giả thuyết cho rằng, nguyên nhân gây vô sinh do giãn TMT là do tình trạng ứ đọng tuần hoàn, hiện tượng đảo chiều shunt tức dòng máu chảy ngược từ tĩnh mạch vào mao động mạch hoặc chảy ngược từ tĩnh mạch thận vào tĩnh mạch tinh; bản thân việc ứ đọng tuần hoàn đã không có lợi cho quá trình sinh tinh. Hơn nữa, một số tác giả còn cho rằng các chất như andrenomedulin (một leptid có tính giãn tĩnh mạch được tiết ra ở tuyến thượng thận) catecholamin, prostaglandin... tăng cao ở tĩnh mạch thận trái dồn về TMT trái làm cản trở quá trình sinh tinh.
Việc điều trị chỉ đặt ra cho bệnh nhân trẻ có biểu hiện lâm sàng như vô sinh, đau và teo tinh hoàn tiến triển, còn lại phải nên cân nhắc cho các trường hợp đã có con đầy đủ và không có biểu hiện lâm sàng khác. Tiến hành điều trị phải qua từng bước, ban đầu tiến hành điều trị nội khoa bằng các thuốc tăng trương lực mạnh, các chất chống tác nhân oxy hóa... kèm theo chế độ ăn nhiều chất xơ, chống táo bón, chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh đứng lâu, thức khuya, ngồi nhiều... Nếu sau 3 - 6 tháng không có kết quả phải mổ. Trong việc điều trị vô sinh, hiệu quả cải thiện tinh trùng về số lượng và chất lượng khá cao nhưng hiệu quả có thai tự nhiên sau mổ thì chưa cao lắm, dao động từ 30 - 42%.
Theo Kiến Thức