• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Lấy chồng - chuyện 'dã man' của nhan sắc

    Một hôm, chị em nhìn nhau giật mình và mở cuộc “thảo luận” về việc phụ nữ chúng mình sau khi lấy chồng, sinh con thì đẹp lên hay xấu đi? Người thì bảo, tớ đẹp lên. Ngày xưa tớ gầy gò như con cá mắm, nhờ lấy chồng, “phải hơi giai” thành ra giờ người ngợm mới đầy đặn thế này. Tớ đẹp lên, vì tớ biết thu vén nhà cửa, chăm con bụ bẫm, xinh xắn.

    Một hôm, chị em nhìn nhau giật mình và mở cuộc “thảo luận” về việc phụ nữ chúng mình sau khi lấy chồng, sinh con thì đẹp lên hay xấu đi? Người thì bảo, tớ đẹp lên. Ngày xưa tớ gầy gò như con cá mắm, nhờ lấy chồng, “phải hơi giai” thành ra giờ người ngợm mới đầy đặn thế này. Tớ đẹp lên, vì tớ biết thu vén nhà cửa, chăm con bụ bẫm, xinh xắn.
     
    Nhưng người tự tin thế chắc chắn ít hơn những chị em cay đắng, ngậm ngùi, tôi xấu đi bao nhiêu, da dẻ nhăn nheo, nám đầy mặt, người xồ xề. Lại còn sinh tật bà chằn, khó tính chứ không còn dịu dàng, e ấp như thuở thiếu nữ. Tôi xấu đi, vì thích đếm tiền hơn nghe nhạc, tôi còn bận mải lo chi phí ăn uống học hành của con cái, của gia đình chứ ba cái chuyện lãng mạn ngày xưa, thời gian đâu mà hưởng. Tâm hồn cằn cỗi mất rồi!
     
    Cuộc thảo luận muôn thuở với câu hỏi: “Có hay không vẻ đẹp không nếp nhăn của những người phụ nữ sau khi lấy chồng sinh con?” Và câu trả lời là, hãy yêu bản thân mình nhiều hơn nữa...
     
    Phụ nữ ngồi với nhau, hay bàn chuyện gì? Cứ nhìn vào nét mặt của các bà thì biết nội dung. Nếu đó là gương mặt thánh thiện, rạng rỡ thì chắc chắn các bà đang nói về các con. Còn với gương mặt hơi bất mãn, thì đến 85% các bà đang nhắc đến... ông xã.

    Chuyện thường nhất là các bà cho rằng, chính các ông là "thủ phạm" làm cho các bà phải tàn phai nhan sắc. Tại các phòng tập thể dục thẩm mỹ, câu chuyện dính dáng đến ngoại hình của các bà vợ luôn có chất cay đắng, ngậm ngùi.
     
    Xấu có hệ thống!

    “Ngày xưa tui đâu có vậy”. Đó là câu mở đầu của bà Trần Thị Khánh Huyền, khi cô giáo thể dục yêu cầu bà phải tập đủ nhịp của bài nhỏ bụng, săn đùi. Bà tỏ ra nuối tiếc, và chỉ ra nguyên nhân: "Tôi sinh lần thứ nhất xong, còn thấy được được, mặc đồ còn thấy đẹp. Đến lần thứ hai là thua luôn. Có hai con, càng hiếm thời gian tập thể dục, ăn uống vô tội vạ... nên mới ra nông nỗi này".
     
    Tuy bà không nhắc gì đến ông xã, nhưng các bà khác vẫn truy ra: "Ông xã bà có biết điều không? Bà phải cho ông ấy biết "tội" của ông ấy, chứ các ông ấy chủ quan lắm, cứ tưởng vợ mình lười biếng, không chịu chăm sóc bản thân". Bà phân bua: "Ông xã tôi có nói gì đâu? Ổng có nhìn ngắm tôi lâu lắc như hồi mới yêu đâu mà nhận xét này nọ. Thôi, vậy cũng may! Có con rồi, chắc ổng cũng cảm thông”.
     
    Có con rồi mà! Đó là chỗ dựa vững vàng cho những người phụ nữ lên cân. Đó cũng là lý do để các ông chồng "Muốn chê cũng không dám". Và đó cũng là rào cản để các bà quyết tâm "Lấy lại các số đo đã mất".
     
    Cũng tròn quay như bà Huyền, nhưng bà Lưu Ngọc Thảo có vẻ lạc quan hơn: "Biết đâu mấy ổng thích vợ có da, có thịt. Các ông cũng nhão ra chứ có phải tụi nữ chúng mình mới bị xệ xuống từng centimet đâu". Thế nhưng, một lần đi tắm biển cùng chồng, bà mới ngậm ngùi chứng kiến sự thật phũ phàng. Ông xã vẫn thương vợ, thương con, nhưng ông say sưa nhìn các cô gái trong những mảnh áo tắm không mỏi mắt. Bà vợ thở dài, nhìn lại mình “đời đã xanh rêu...”
     
    Sau một thời gian chung sống, các bà vợ rút ra kinh nghiệm, vợ có đẹp ra, có thon thả hẳn lên, các "lão" chồng như kẻ đui mù, không thấy gì hết, vậy mà vợ béo ra là thấy liền. Thế mới biết, con mắt của các lão chỉ hướng nhanh đến cái xấu, cái tiêu cực, nhạy với cái đẹp của thiên hạ hoặc vợ người khác.
     
    Các bà vợ ở dạng xương với da, tự tin cũng mất theo. Bà Trần Thanh Triều, một nhân viên ngành may, không có nỗi khổ phải kiêng ăn, nhưng bà không lên cân được. Mỗi lần xuất hiện cùng chồng giữa đám đông, bạn bè lại thắc mắc: "Bộ bà nhịn ăn để nuôi chồng con hả?". Biết là đùa thôi, nhưng ông xã có vẻ không cười nổi.
     
    Ngày xưa, lúc mới quen nhau, thân hình bà khá chuẩn, ba vòng rõ ràng. Điều đó tạo cho bà một độ "chảnh" khá lớn với chồng. Còn nay, bà có cảm giác ông chồng không còn nghe lời bà vợ "màn hình phẳng". Thiên hạ sinh con sợ mập, còn bà, con cái càng lớn, mẹ càng gầy nhom. Bà tự an ủi mình: "Thì cũng thức khuya, dậy sớm, lo lắng cho gia đình, chứ có còn như thời con gái chỉ biết ăn, biết ngủ đâu mà mập mạp...".
     
    Không thể như ngày xưa
     
    Khi yêu nhau, hai người muốn thành hôn, không ai mong người trong mộng của mình thay đổi. Cuộc sống chung với nhiều lo toan khiến hai người trong cuộc "tỉnh" dần ra và dễ dàng phát hiện người mình yêu đã khác trước rất nhiều. Thế nhưng, ngoại hình chưa hẳn đã làm cho hai người ngỡ ngàng mà chính là phong cách.
     
    Bà Nguyễn Ngọc Lam, đại lý của một hãng dầu thực vật, không mập ra, không ốm đi, nhưng ông chồng vẫn không nhận ra bà vợ - người mà ông đã từng say đắm. Mỗi ngày, ông đi làm về, nhức đầu ở cơ quan chưa hết, lại còn buốt óc vì nghe mở... “đài”. Ngày xưa, khi mới quen nhau, bà không nói, ông phát sốt. Còn bây giờ, bà nói đến mức ông phát sợ.
     
    Thật ra, bà không thuộc hạng nói nhiều nhưng bà nói đến đâu ông thấy phiền toái đến đấy. Như ông vừa bước chân vào toilet, bà đã hét toáng lên: "Nhớ mang dép vào!" Ông vừa dắt xe vào nhà, bà cũng lại hét: "Lại không cởi giày ra rồi!”. Tất nhiên, người đàn bà đang hét thì làm sao xinh tươi được. Mà sao người đàn bà của ông không nói nhỏ nhẹ được như ngày xưa? Điều gì khiến bà cứ phải trợn mắt, la hét chồng con, để khiến cho bà xấu dần trong mắt chồng? Nhiều lần bà đã gián tiếp báo cho ông biết: "Nếu chồng con ngon lành, đàng hoàng, tôi la hét làm gì?" Vậy là lỗi tại ông chồng không có hy vọng tiến bộ.
     
    Nói vậy thôi, chứ biết tại ai? Như con gà và quả trứng, biết cái nào trước sau. Ông chồng góp phần làm cho cái xấu của vợ phát triển bằng cách phô trương cái xấu, cái tệ của mình. Thế nhưng, hai kẻ xấu gặp nhau, lại không thể hòa hợp yên ấm được.
     
    Bà Lê Huyền Nga cũng dễ lâm vào hoàn cảnh "đầu bù, tóc rối" sau 8 năm lập gia đình. Trước tình hình phức tạp, căng thẳng của bà vợ, ông chồng ngày càng ít nói. Bà vợ về đến nhà, đổi bộ đồ đi làm ra, là phong cách thay đổi luôn.
     
    Biện hộ cho sự tùa lua của mình, bà dẫn ra cả trăm việc nhà có tên, không tên... chứ đâu phải ăn ở không mà chưng diện được. Hóa ra, trong việc xuống cấp dung nhan của bà vợ cũng có sự thúc đẩy của ông chồng. Giá như ông chịu gánh vác cùng vợ việc nhà, việc con cái thì bà vợ của ông đâu đến nỗi đổi thay đến mức nhìn không ra.
     
    Nét đẹp không nếp nhăn
     
    Cũng có không ít phụ nữ lại đẹp dần lên theo năm tháng theo thời gian lập gia đình. Con cái khiến họ có gương mặt thánh thiện, rạng rỡ. Trong mối quan hệ vợ chồng, họ có nhiều cơ hội tỏa sáng với nhiều đức hạnh, phẩm chất.
     
    Một ông chồng lười biếng, vô tư... đã tạo ra một bà vợ lắm lời, tả tơi đối phó. Nói như thế có vẻ không sai, nhưng cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi có nhiều ông chồng không hoàn hảo, nhưng cũng không thể tạo ra các bà vợ dở hơi, xuống cấp. Đôi khi, chính các ông lại tốt lên nhờ bà vợ biết cách sống đẹp, biết cách xử lý tình huống. Hôn nhân làm người ta trưởng thành, trong đó hai vợ chồng cùng nhau lớn lên trong ngôi nhà của riêng mình.
     
    "Em đẹp dần trong mắt trong anh", không chỉ có làn da, mái tóc mà còn là lời nói, việc làm. Những bà vợ đức hạnh không bao giờ làm cho ông chồng chán nản. Cái duyên trong ứng xử chẳng bao giờ có nếp nhăn.
     
    Nhiều cặp vợ chồng sống bên nhau một thời gian, nhìn lại tấm hình ngày cưới, ngỡ ngàng như là chuyện không có thật. Cô dâu ngày đó thật mong manh, yêu kiều bên bờ vai của chú rể. Và ngày hôm nay, trong trách nhiệm với con cái, gia đình, cô dâu đã mạnh mẽ lên, đằm thắm, mặn mà, thông thái. Và bờ vai của chú rể vẫn rất cần, để họ biết mình được ông xã tin cậy, yêu thương.

    (Theo Mẹ & Bé)