• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Phòng lây nhiễm virút Zika cho thai phụ

    Tại Việt Nam, mới đây phát hiện 2 trường hợp nhiễm virút zika, trong đó có 1 thai phụ (ở TP.HCM). điều mọi người đang lo lắng là việc thai phụ nhiễm virút này có thể dẫn đến hậu quả thai nhi bị đầu nhỏ! thực sự thì mối nguy hiểm này lớn đến đâu và phải làm gì để phòng lây nhiễm virút Zika cho thai phụ?

    Tại Việt Nam, mới đây phát hiện 2 trường hợp nhiễm virút zika, trong đó có 1 thai phụ (ở TP.HCM). điều mọi người đang lo lắng là việc thai phụ nhiễm virút này có thể dẫn đến hậu quả thai nhi bị đầu nhỏ! thực sự thì mối nguy hiểm này lớn đến đâu và phải làm gì để phòng lây nhiễm virút Zika cho thai phụ?

    Virút Zika lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn (muỗi Aedes), bệnh có thể gây teo não ở thai nhi ở một tỉ lệ thấp, tuy vậy, không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, hoang mang, đặc biệt là các thai phụ. Có thể phòng bệnh được.

    Virút Zika là gì?

    Được gọi tên là virút Zika là do virút này được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika thuộc nước Uganda châu Phi, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virút lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi và châu Mỹ latin. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virút Zika tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi gồm một số nước như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brazil. Trong đó, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Brazil, số trường hợp nhiễm bệnh đang gia tăng bất thường ở nước này. Ở châu Á, năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virút  Zika. Tại Việt Nam, hiện nay đã phát hiện hai trường hợp nhiễm virút Zika ở Khánh Hòa và TP.HCM, hơn nữa, nước ta đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes  aegypti, đây là loài muỗi vừa làm lây truyền vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, hiện nay, virút Zika đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn, vì vậy, cần hết sức lưu ý đề phòng, nhất là đối tượng phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai.

    Cách tốt nhất là phòng muỗi đốt

    Một người mắc bệnh virút Zika biểu hiện như thế nào?

    Bệnh do virút Zika gây ra có biểu hiện nhẹ, thậm chí không triệu chứng và với 80% ca bệnh có thể tự khỏi.

    Virút có thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày và có tới khoảng từ 60 -  80% người bị nhiễm virút Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Thực chất, virút này không được xếp vào dạng nguy hiểm với người trưởng thành, do đó, người trưởng thành khi mắc bệnh sẽ có các triệu chứng tương tự như khi mắc sốt xuất huyết Dengue (sốt, xuất huyết dưới mọi hình thức như dưới da, nội tạng, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt...), nhưng với mức độ nhẹ hơn. Trong khi đó, có một tỉ lệ thấp khi nhiễm virút Zika trong thời kỳ mang thai có thể gây khuyết tật teo não, đầu nhỏ bẩm sinh và kèm theo đó là chậm phát triển trí tuệ, bất thường thần kinh, rối loạn thính giác và thị giác.

    Để chẩn đoán đúng bệnh do virút Zika gây ra, cần tiến hành ít nhất là hai phương pháp, đó là chẩn đoán huyết thanh học (tìm kháng thể trong máu người bệnh hoặc nghi mắc bệnh) và chẩn đoán sinh học phân tử, trong đó chẩn đoán bằng kỹ thuật sinh học phân tử là chính xác nhất.

    Với thai phụ bị nhiễm virút Zika, để xác định thai nhi có bị đầu nhỏ hay không, các cơ sở khám thai ngoài nội dung khám thai thường quy, trong bối cảnh hiện nay, có thể có bệnh do virút Zika gây ra, cần hỏi tiền sử của thai phụ (có trở về từ  vùng có dịch Zik hay không…). Đặc biệt khi siêu âm, bác sĩ cần chú trọng đến não của thai nhi có bất  thường hay không (đầu nhỏ, giãn não thất, vôi hóa, teo não, hoặc không xác định được các bộ phận của não…).

    Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với virút Zika, cần dựa vào siêu âm đo chu vi vòng đầu để đánh giá nguy cơ của bệnh Zika ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu chu vi đầu phát triển bình thường, cần được theo dõi thai tiếp. Nếu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não, thai phụ cần được chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để được chẩn đoán chính xác bằng các kỹ thuật khác nhau.

    Có nên quá hoang mang, lo lắng?

    Đúng là virút Zika có khả năng gây teo não thai nhi ở phụ nữ đang mang thai ở ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy vậy, không phải tất cả các trường hợp nhiễm virút Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hơn thế nữa, căn bệnh này lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn), không phải lây trực tiếp qua không khí, thức ăn, nước uống, thực phẩm, vì vậy, không để muỗi đốt là tránh được mắc bệnh.

    Làm gì để bảo vệ mình không để muỗi đốt?

    Cho đến nay chưa có thuốc đặc trị bệnh do virút Zika gây ra và chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu. Tuy vậy, do đã biết chắc chắn bệnh do virút Zika gây ra chỉ lây truyền qua muỗi (muỗi vằn), do đó cần tránh muỗi đốt. Với thai phụ, nên lưu ý:

    Đối với bản thân, cần tìm mọi biện pháp để ngăn ngừa muỗi đốt. Đặc điểm của muỗi vằn là đốt và hút máu người cả ngày, lẫn đêm, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối. Vì vậy, cần mặc quần áo dài, đi tất, nằm ngủ phải có màn đảm bảo chất lượng (không thủng, không rách…) để tránh không cho muỗi chui vào đốt, ngay cả ngủ ban ngày. Khi đang mang thai, nhất là ba tháng đầu không nên đến vùng có dịch Zika (ngay cả phụ nữ có ý định mang thai cũng không nên đến vùng có dịch Zika) Khi nghi ngờ mắc bệnh, thai phụ cần đi khám bệnh ngay.

    Đối với gia đình và cộng đồng, cùng với mọi người áp dụng các biện pháp từ dân gian đến dùng hóa chất để diệt muỗi (vợt diệt muỗi, hương muỗi, đèn diệt muỗi, phun hóa chất), bởi vì, không có muỗi, sẽ không có bệnh do virút Zika gây ra. Song song với diệt muỗi là diệt con đẻ của chúng là bọ gậy (lăng quăng) như thay nước ở lọ hoa hàng ngày, đậy kín chum, vại, lu đựng nước, khơi thông cống rãnh. Những gia đình có bể chứa nước sạch cần thả cá có khả năng ăn bọ gậy.

    Theo SKDS