Trị đau thắt lưng thấp có nguồn gốc đĩa đệm
Đau thắt lưng là tình trạng phổ biến, có thể do các nguyên nhân như căng cơ thắt lưng, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm và các rối loạn cột sống - tủy sống do thoái hóa cột sống. Bài viết này sẽ đề cập đến tình trạng đau thắt lưng thấp có nguồn gốc từ đĩa đệm.
Đau thắt lưng là tình trạng phổ biến, có thể do các nguyên nhân như căng cơ thắt lưng, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm và các rối loạn cột sống - tủy sống do thoái hóa cột sống. Bài viết này sẽ đề cập đến tình trạng đau thắt lưng thấp có nguồn gốc từ đĩa đệm.
Vì sao đĩa đệm là nguồn gây đau lưng?
Điều này có nghĩa là một hoặc nhiều đĩa đệm là nguồn gây đau thắt lưng cho người bệnh. Đây là một tình trạng thoái hóa. Khi có tuổi, cơ thể xảy ra rất nhiều thay đổi, ví dụ như tóc chuyển từ màu đen sang bạc, da không còn căng, đàn hồi mà có thể nhăn nheo, mất độ chun giãn. Những thay đổi từ từ tương tự như vậy cũng xảy ra đối với các cấu trúc của cột sống, đặc biệt là các đĩa đệm cột sống. Sự thoái hóa đĩa đệm giai đoạn đầu có thể không gây đau nhiều hoặc gây ra các triệu chứng khác, nhưng khi thoái hóa tiến triển thì đau thắt lưng thấp có thể xảy ra. Cũng như các bộ phận khác của cơ thể, mỗi đĩa đệm được chi phối bởi các dây thần kinh. Đĩa đệm gồm hai phần: bao xơ đĩa đệm (cấu trúc giống vòng nhẫn phía ngoài) và nhân nhầy (giống dạng chất dẻo bên trong).
Nhân nhầy không có thần kinh chi phối cảm giác. Tuy nhiên, 1/3 ngoài của bao xơ đĩa đệm có các sợi thần kinh.
Một loại rối loạn có nguồn gốc đĩa đệm là sự vỡ nội đĩa, xảy ra khi đĩa bị rách hoặc vỡ làm cho nhân nhầy tiếp xúc với bao xơ đĩa đệm. Khi điều này xảy ra, một hóa chất có tên là protecoglycan có thể được giải phóng khỏi nhân nhầy. Protecoglycan có thể gây nên phản ứng viêm, từ đó gây kích thích các thụ cảm thần kinh trên bao xơ đĩa đệm và gây đau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người ta vẫn chưa biết được lý do có sự rách bao xơ đĩa đệm nhưng không xảy ra triệu chứng đau.
Đĩa đệm thoái hóa gây đau thắt lưng cho người bệnh.
Đặc điểm đau do bệnh lý đĩa đệm
Đau do bệnh lý đĩa đệm có một sự liên quan đặc trưng với những hoạt động làm tăng áp lực bên trong của đĩa đệm (áp lực nội đĩa): ngồi, cong người ra trước, ho và hắt hơi có thể gây tăng đau thắt lưng thấp; đau chân do chèn ép rễ thần kinh ở vùng thắt lưng (được gọi là đau kiểu rễ) có thể đi cùng với đau thắt lưng do bệnh lý đĩa đệm, đặc biệt khi ngồi, đứng hoặc đi bộ; đau thắt lưng thấp có nguồn gốc từ đĩa đệm thường là một biến đổi mạn tính.
Chẩn đoán đau thắt lưng thấp có nguồn gốc đĩa đệm
Cộng hưởng từ giúp chẩn đoán đĩa đệm bị thoái hóa. Nếu một hoặc nhiều đĩa đệm cột sống nghi ngờ là nguồn đau, bác sĩ sẽ có thể yêu cầu một nghiệm pháp đánh giá bằng chụp đĩa đệm cản quang. Đây là một thủ thuật vô trùng, đĩa đệm nghi ngờ sẽ được tiêm thuốc cản quang cốt để có thể nhìn thấy đĩa đệm này dưới màn tăng sáng truyền hình, từ đó có thể nhìn thấy hình dáng và kích thước của đĩa đệm. Ngoài ra, sự tiêm thuốc cản quang vào đĩa làm thay đổi áp lực nội đĩa và có thể kích thích hoặc tái tạo mô hình đau của bệnh nhân, từ đó có thể phân biệt được đĩa đệm nào là nguồn gây đau thắt lưng.
Phương pháp điều trị
Điều trị bảo tồn
Bằng thuốc: Thuốc giảm viêm, giảm đau, thuốc opioid.
Vật lý trị liệu: Các phương pháp điều trị thụ động như siêu âm, kích thích thần kinh qua da, và mát-xa kết hợp với các bài tập cột sống.
Tiêm cột sống: Thuốc giảm đau kết hợp với thuốc chống viêm corticosteroid được tiêm vào cột sống. Sự kết hợp của hai thuốc này có thể được tiêm vào diện khớp cột sống hoặc xung quanh thần kinh ở cột sống để giảm đau lưng hoặc đau kiểu rễ lan xuống chân.
Nẹp: Nẹp trợ giúp phần lưng và hạn chế những vận động gây đau. Hiếm khi nẹp được sử dụng dài ngày để điều trị đau lưng vì việc sử dụng nẹp dài sẽ làm yếu khối cơ ở lưng và ở bụng, từ đó làm co cứng và xơ hóa cơ.
Phương pháp điều trị khác: Châm cứu, tập yoga giúp trì hoãn sự thoái hóa không tiến triển nặng thêm.
Thay đổi lối sống: Giảm béo, ngừng hút thuốc, tập thể dục để duy trì cột sống khỏe.
Can thiệp phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật với mục đích làm giảm áp đĩa đệm hoặc loại bỏ đĩa đệm tổn thương.
Các phương pháp giảm áp đĩa đệm với kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn như: tạo hình nhân nhầy bằng sóng cao tần, tạo hình nhân nhầy IDET, lấy đĩa đệm, phẫu thuật đặt dụng cụ liên gai sau (ví dụ: nẹp silicon...).
Phương pháp loại bỏ đĩa đệm tổn thương như cố định cột sống hàn xương. Ngoài ra, hiện nay có phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo. Thay đĩa đệm nhân tạo giúp cho hoạt động tại vị trí đó được duy trì gần như đĩa đệm khỏe mạnh.
Theo SKDS