• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Triệu chứng sốt virus và sốt xuất huyết.

    Chào bác sĩ! Xin cho tôi hỏi về triệu chứng của sốt viruts và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào ? Để điều trị 2 loại bệnh này ở nhà có thể uống thuốc hạ sốt và truyền nước được không ? Nếu không thì có thể dùng thuốc gì hay điều trị thế nào ở nhà ? Xin cảm ơn bác sĩ! (Phạm Văn Hiếu)

    Chào bác sĩ! Xin cho tôi hỏi về triệu chứng của sốt viruts và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào ? Để điều trị 2 loại bệnh này ở nhà có thể uống thuốc hạ sốt và truyền nước được không ? Nếu không thì có thể dùng thuốc gì hay điều trị thế nào ở nhà ? Xin cảm ơn bác sĩ! (Phạm Văn Hiếu)

    (Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)

    Trả lời:

    1. Sốt do nhiễm virus

    Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virus, thường từ 38 đến 39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.

    Đau mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc.

    Đau đầu: Một số trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

    Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...

    Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy.

    Viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

    Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

    Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

    Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

    Không có các biểu hiện nhiễm khuẩn.

    Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

    Xử trí sốt do virus ở trẻ

    Các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virus ở trẻ em cũng vậy. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là:

    Hạ sốt: Thường dùng paracetamol liều 10 mg/kg, 6 giờ/lần.

    Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

    Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

    Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.

    Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

    Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

    Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

    Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

    Sốt virus dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho đến trường. Một số bệnh do virus đã có văcxin như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella...

    2. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

    Bệnh có hai thể (sốt dengue và sốt xuất huyết dengue), xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

    Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

    - Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

    - Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

    Biểu hiện của bệnh:

    Thể bệnh nhẹ: (thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong)

    - Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.

    - Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.

    - Có thể có nổi mẩn, phát ban.

    Thể bệnh nặng: (thường là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%)

    Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

    - Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

    - Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

    Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết:

    Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

    - Nằm nghỉ ngơi.

    - Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.

    - Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.

    - Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.

    Phòng bệnh sốt xuất huyết:

     

    - Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.

    - Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:

    Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy (lăng quăng).

    Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

    Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.

    Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).

    - Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

    Phòng chống muỗi đốt:

    - Mặc quần áo dài tay.

    - Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.

    - Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

    - Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

    - Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt.

    Khi bị một trong 2 triệu chứng trên, cần đi khám và có sự tư vấn điều trị kịp thời.

    Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục.

    (Theo Thuốc & Biệt dược)