Điều trị bệnh viêm hành tá tràng mạn tính
Ba em bị viêm thành tá tràng mãn tính đã đi khám nhiều nợi Bác sĩ cho thuốc như sau: - Buscopan HYOSCINE-N-BUTYBROMIDE 10mg liều dùng 2 lần 1 ngày - Lần 1 viên sau khi ăn - Clarithromycin Stada 500mg liều dùng ngày 2 lần - Lần 1 viên sau khi ăn - Flagyl 250mg Metronidazole liều dùng Ngày 2 lần ...
Ba em bị viêm thành tá tràng mãn tính đã đi khám nhiều nợi Bác sĩ cho thuốc như sau: - Buscopan HYOSCINE-N-BUTYBROMIDE 10mg liều dùng 2 lần 1 ngày - Lần 1 viên sau khi ăn - Clarithromycin Stada 500mg liều dùng ngày 2 lần - Lần 1 viên sau khi ăn - Flagyl 250mg Metronidazole liều dùng Ngày 2 lần - Lần 1 viên sau khi ăn - Amoxicillin 500mg liều dùng ngày 2 lần - Lần 1 viên sau khi ăn - Actapulgite 3g uống sau khi ăn. - Gastropulgite sau khi ăn 1 giờ - Mepraz Omeprazole 20 mg trước ăn sáng Bình thường trước khi uống thuốc không bị đau và tức bên hông, nhưng sau khi ăn xong và uống thuốc thì rất đau và tức. Có khi đau thắt Xin bác sĩ em biết dùng thuốc như thế đã đúng chưa? Và bệnh này có kiêng thịt cá nhiều không? Vì bây giờ ba em chỉ ăn được cháo. Xin chân thành cảm ơn (Nguyen Ngoc Hoang Lam)
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Trả lời:
Để điều trị dứt điểm các bệnh về dạ dày nói chung và viêm hành tá tràng như người thân của bạn, trước hết sau khi đã được chẩn đoán bệnh và kê đơn thì bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm chỉnh tuyệt đối sự chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Các thuốc đã được bác sĩ kê đơn, bệnh nhân phải dùng liên tiếp theo chỉ dẫn, không được bỏ thuốc giữa chừng cũng như không được tự ý thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải kiêng cữ các thức ăn chua như dấm ăn, trái cây chua, thức ăn cay ( ớt..), thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Không nên uống cá phê, trà. nước ngọt có hơi. Không uống rượu, bia. không hút thuốc lá. Khi ăn nên nhai thật kỹ trước khi nuốt, không ăn vội vã.
Không dùng thuốc Aspirin, thuốc chống viêm, chống đau như Ibuprofen ( Motrin, Avil, Naproxen ( Naprosyn, Aleve), Diclofenac ( Voltaren) v..v . Nếu bị đau nhức, nóng sốt có thể dùng Tylenol, Paracetamol.
Cũng nên nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ. Tập thư giãn, không lo âu, buốn phiền. Nên tập thể dục thường xuyên.
Một điều cần lưu ý nữa là sau mỗi đợt điều trị bệnh nhân cần tái khám để bác sĩ so sánh kết quả trước và sau khi điều trị và có hướng điều trị tiếp theo nhằm tránh bệnh tái phát.
Nếu bệnh nhân còn bị đau thì nên nói bác sĩ cho nội soi lại, và thử lại xem có bị nhiễm vi trùng Helicobacter pylori (HP) không, nếu có thì phải chữa cho khỏi thì mới hết bệnh được.
Nên đưa bệnh nhân đến các bệnh viện, trung tâm y tế lớn có chuyên khoa để điều trị.
Về chế độ ăn của người bị viêm hành tá tràng mạn tính:
Người bệnh nên tránh dùng những loại thực phẩm như: những thức ăn có vị mặn, vị chua, các loại gia vị có tính kích thích (tiêu, ớt, mù tạt). Có thể trong giai đoạn triệu chứng ồ ạt nên giảm hoặc không sử dụng nguồn thực phẩm cung cấp đạm từ thịt (heo, gà, bò, hải sản); thậm chí cả nước dùng, nước súp nấu từ nguồn này. Điều đó sẽ làm giảm được sự kích thích bài tiết acid dạ dày.
Các loại giải khát như: nước trà, nước trái cây, nước ngọt có gaz, cà phê, bia, rượu... cũng nên tránh vì không có lợi cho quá trình làm lành ổ loét. Đặc biệt rượu, thuốc lá, cà phê (có hoặc không có cafein) ngoài việc làm chậm lành ổ loét còn làm tăng sự phát triển ổ loét và tăng tỉ lệ loét tái phát ở người bệnh.
Người bệnh nên chia bữa ăn thành những bữa nhỏ, nhẹ trong ngày, và các cữ ăn nên đều đặn, đúng giờ.
Tránh ăn vội vàng và ăn quá muộn vào buổi tối. Thức ăn nên nấu nhuyễn hoặc mềm, lỏng, ít nhất cũng cố gắng thực hiện được trong lúc bệnh chưa ổn định.
Tránh những thức ăn sống như: rau sống, thịt, cá, trứng sống. Thức ăn nên chọn: gạo nếp, cơm nhão, cháo, nui nấu mềm, bánh mì, khoai tán, rau củ nghiền. Trái cây nên chọn loại không có vị chua.
Thực phẩm hàng ngày cần đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đủ thành phần các chất dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh ăn uống.
Và điều cũng khá quan trọng lại ít được quan tâm; vừa có tác dụng phòng bệnh vừa góp phần trị bệnh là giữ cho bữa ăn trong bầu không khí vui vẻ, thoải mái, tránh tình trạng suy tư căng thẳng lo âu trong lúc ăn uống cũng như trong đời sống hàng ngày.
Trường hợp Ba bạn đã được bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc khá đầy đủ, việc tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ sẽ góp phần giúp Ba bạn sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên Ba bạn có hiện tượng đau và tức sau khi uống thuốc, điều này bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để có sự điều chỉnh hợp lý hơn.
Chúc bạn và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc.
(Theo Thuốc & Biệt dược)