Vitamin A quan trọng như thế nào
Thiếu vitamin A và hậu quả của nó là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất và tình trạng thiếu vitamin A có nguyên nhân từ chế độ ăn nghèo vitamin A, nhiễm khuẩn (đặc biệt là sởi, bệnh hô hấp cấp) và tiêu chảy...
Thiếu vitamin A và hậu quả của nó là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất và tình trạng thiếu vitamin A có nguyên nhân từ chế độ ăn nghèo vitamin A, nhiễm khuẩn (đặc biệt là sởi, bệnh hô hấp cấp) và tiêu chảy...
Trong cơ thể, vitamin A rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì của biểu mô. Vitamin A được dùng để dự phòng và điều trị các triệu chứng thiếu vitamin A như bệnh khô mắt, quáng gà; Bổ sung cho người bệnh xơ gan nguyên phát do mật hay gan ứ mật mạn tính (những người này thường hay thiếu hụt vitamin A) và một số bệnh về da (thuốc bôi vitamin A được dùng để điều trị bệnh trứng cá hay vẩy nến; Ngoài ra còn dùng phối hợp với vitamin D để điều trị một số bệnh thông thường của da kể cả loét trợt...
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu hằng ngày của trẻ em là 400 microgam (1.330 đvqt), và của người lớn là 600 microgam (2.000 đvqt). Vì vitamin A quan trọng như vậy nên hàng năm ở Việt Nam có chiến dịch cho trẻ em uống vitamin A trên quy mô toàn quốc. Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên nên cho trẻ 6 tháng tuổi uống thêm 100.000 đơn vị. Liều này có tác dụng bảo vệ cho đến khi trẻ được tiêm phòng sởi vào lúc 9 tháng tuổi, và vào lúc này có thể cho trẻ ở những vùng có nguy cơ cao uống thêm một liều nữa.
Tuy nhiên khi dùng vitamin A cần lưu ý, các tác dụng phụ và tác dụng có hại sẽ xuất hiện khi dùng vitamin liều cao dài ngày hay khi uống phải một liều rất cao vitamin A. Dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A mạn tính. Các triệu chứng đặc trưng là: Mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan - lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô ròn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, canxi huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp. Ở trẻ em các triệu chứng ngộ độc mạn tính còn gồm cả tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã cốt hóa quá sớm.
Khi trẻ bị ngộ độc cấp vitamin A sẽ có các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy... Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống từ 6 - 24 giờ.
Vì vậy, khi dùng vitamin A thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng trên cần ngừng thuốc, thông báo cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý thích hợp.
Theo SKDS