Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D, hoặc do rối loạn chuyển hoá vitamin D trong cơ thể.
Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D, hoặc do rối loạn chuyển hoá vitamin D trong cơ thể.
Theo số liệu thống kê tại Trung tâm khám tư vấn Viện Dinh Dưỡng thì bệnh còi xương là bệnh hay gặp nhất và có xu hướng tăng trong những năm gần đây tại Trung tâm. Vậy vì sao trẻ bị còi xương? Những trẻ nào dễ bị còi xương?
Những trẻ dễ bị còi xương
Bác sỹ, Thạc sỹ Phan Bích Nga, Trung Tâm Khám Tư vấn Dinh dưỡng Viện Dinh Dưỡng cho biết, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh còi xương có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo can xi - phốt pho, những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ. Đây là quan niệm sai lầm của nhiều người dân Việt Nam. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trẻ 2 tuần tuổi đã cần được tắm nắng: tốt nhất là vào buổi sáng sớm (trước 8 giờ).
Nhiều cha mẹ cho con ăn sữa bò ở trẻ dưới 1 tuổi, đây là lứa tuổi nhu cầu vitamin D đang rất cao và nguồn dự trữ canxi hay thiếu hụt ở trẻ đẻ nhẹ cân, đẻ non, vì vậy ở những trẻ này rất thiếu vitamin D dẫn đến còi xương. Những trẻ ăn quá nhiều nhiều chất bột, đạm gây tình trạng chuyển hóa - tăng đào thải canxi ra nước tiểu. Hoặc do trong chế độ ăn dặm hằng ngày không cho hoặc cho quá ít dầu/mỡ dẫn đến không có dung môi hòa tan để hấp thu được vitamin D.
Ngoài ra, những trẻ dễ bị còi xương là những trẻ đẻ non, sinh đôi, suy dinh dưỡng bào thai, bệnh nhiễm khuẩn, trẻ rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Những dấu hiệu và phòng tránh còi xương ở trẻ em
- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.
- Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
- Các biểu hiện ở xương: Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.
- Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón.
- Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…
- Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ can xi máu
Để phòng bệnh còi xương cho trẻ, theo các chuyên gia dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai và cho con bú các bà mẹ nên ăn uống đầy đủ, uống bổ sung thêm viên sắt, canxi…
Đối với trẻ em, cho bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Đến tuổi ăn dặm, cần cho trẻ ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
Trẻ sau sinh 1 tháng cần được tắm nắng mỗi ngày 15 phút vào lúc mặt trời mọc và ánh nắng phải chiếu trực tiếp trên bề mặt da mu tay, chân, bụng, lưng, ngực.
Vào mùa đông, bạn cần cho con uống một liều vitamin D3 để điều trị dự phòng. Có thể 6 tháng cho trẻ uống nhắc lại một lần. Ngoài ra, trong thai kỳ có thể uống vitamin D3 vào lúc thai được 7 tháng.
Lưu ý khi cho trẻ tắm nắng:
- Nên để hở chân, tay của trẻ dưới ánh nắng non.
- Tránh để ánh nắng chiếu thẳng vào mặt và đầu trẻ, nên cho trẻ đội mũ.
- Không nên phơi nắng qua của kính vì như thế sẽ không có tác dụng.
- Không nên cho trẻ tắm nắng quá lâu.
- Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ uống một chút nước bổ sung. Nếu là mùa hè, tốt nhất là tắm ngay sau khi tắm nắng.
Theo Vnmedia