• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Phòng rôm sẩy cho trẻ khi vào hè

    Mới đầu hè mà cậu con trai 8 tháng tuổi nhà chị Hà (Giáp Bát, Hà Nội) đã nổi mụn li ti khắp người, ngứa ngáy. Sợ quá đưa con đi khám, chị mới biết hóa ra con bị rôm sẩy.

     Mới đầu chị thấy nốt đỏ nổi ở cổ, trán, sau lan ra cả người. Có cả mụn to, mụn nhỏ nên chị còn nghĩ con bị thủy đậu hay tay chân miệng. "Mà trẻ con ngứa thì chúng không chịu được, quấy khóc, lăn lộn, gãi, chỉ sợ gãi nhiều xước, rồi nhiễm trùng thì còn khổ. Mà tắm đủ mọi loại nước lá rau má, bàng, sài đất... thế mà con vẫn không thấy đỡ", chị Hà buồn bã nói. 

     
    Tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu (Hà Nội) cho biết, rôm sảy là bệnh rất thường gặp vào mùa hè, với thời tiết nắng nóng. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán cổ, ngực, lưng... Nguyên nhân do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm da. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn vì da trẻ mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. 
    Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ, cho bé ăn các đồ mát. Trong một số trường hợp, trẻ không được chú ý tắm rửa, gãi nhiều khiến da xây xát, bị nhiễm khuẩn thành mụn mủ. Khi đó trẻ cần được đưa đi khám để được điều trị kịp thời. 
     
    Về vấn đề tắm lá, theo tiến sĩ Hùng cha mẹ nên thận trọng. Cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng các loại lá này phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối trước khi đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí vi khuẩn không chết sau khi đun nấu. Không những thế, hiện nay, các loại lá này có thể có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên việc tắm lá cho trẻ chưa biết là tốt hay hại.
     
    Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, quan niệm khi trẻ bị rôm sẩy phải tắm lá mới khỏi là không đúng. Đây là hiện tượng do khí huyết nóng phát ra nên việc tắm lá sẽ không có tác dụng. Cách chữa trị là nên giải nhiệt cho trẻ bằng cách cho ăn đồ mát. Còn nếu tắm bằng các loại lá như sài đất, chân vịt, rẻ quạt... có khi làm bệnh nặng hơn. Thậm chí có trẻ bị nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. 
     
    Việc tắm lá cho trẻ nhỏ chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ. Tùy từng cơ địa của trẻ mà có thể tắm các loại lá khác nhau. Nhiều cha mẹ hay lấy lá bàng, chè xanh tắm cho con mà không biết rằng nó không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh. Lý do là vì trong hai loại lá này có chất tanin (chất chát) dễ làm cho da em bé bị tổn thương. Lá tre tuy không có hại nhưng cũng không nên dùng vì lá tre có lông, khiến trẻ bị ngứa, dị ứng. 
     
    Các chuyên gia khuyến cáo, không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Vì khi đó, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ.
     
    Để phòng bệnh cho trẻ, trong những ngày này cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, lau khô da sau đó rắc một lớp phấn rôm thật mỏng. Nếu da ẩm ướt, phấn sẽ bết lại, bít kín lỗ chân lông, rôm sảy càng mọc nhiều hơn nhất là những khe, kẽ. Cho trẻ mặc quần, áo rộng, bằng chất liệu coton thấm mồ hôi, ở trong phòng thoáng mát. Nếu nhà có điều kiện thì cho trẻ chơi trong phòng có điều hòa. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn mát. 
     
    Một khi trẻ đã bị rôm sẩy thì cha mẹ không nên rắc phấn rôm nữa mà đưa trẻ đi khám để được tư vấn, điều trị phù hợp. Đồng thời, hạn chế để bé không gãi làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng. 
    Theo thuoc.net