• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Những trẻ cần hoãn hoặc không tiêm văcxin

    Trẻ bị suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, tuần hoàn, tim, thận, gan…); hoặc có tiền sử phản ứng nặng sau tiêm chủng văcxin lần trước thì không nên tiêm. 

    Trẻ bị suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, tuần hoàn, tim, thận, gan…); hoặc có tiền sử phản ứng nặng sau tiêm chủng văcxin lần trước thì không nên tiêm.

    Những phản ứng nặng sau tiêm văcxin gồm: sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não, màng não; tím tái; khó thở. Đây là nội dung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ do Bộ Y tế vừa ban hành.
     
    Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trẻ nên hoãn tiêm khi mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng; sốt từ 37,5 độ C trở lên hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (đo nhiệt độ tại nách); trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2 kg. Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B; đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày cũng nên hoãn tiêm. Ngoài ra, trẻ suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) chống chỉ định tiêm chủng các loại văcxin sống.
     
    Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại. Chẳng hạn với văcxin phòng lao thì những trẻ đẻ non, cân chưa đạt yêu cầu, dưới 2,5 kg thì tạm thời lùi thời điểm tiêm.
     
    Bộ Y tế quy định, tại các bệnh viện khi khám sàng lọc cho trẻ phải lưu hồ sơ bệnh án. Với các điểm tiêm chủng trừ bệnh viện, toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm, thời gian lưu là 15 ngày.
     
    Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ có thể liên hệ với nhân viên tư vấn hoặc cán bộ y tế xã để được tư vấn. Nếu trẻ có các biểu hiện như: sốt cao hơn 2 ngày, sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm... thì cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

    Bảng kiểm trước tiêm chủng đối với trẻ:
     
    1. Sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước.
    2. Đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính tiến triển.
    3. Đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid/gammaglobulin.
    4. Sốt hoặc hạ thân nhiệt.
    5. Nghe tim bất thường.
    6. Nhịp thở, nghe phổi bất thường.
    7. Tri giác bất thường (ly bì hoặc kích thích).
    8. Có các chống chỉ định khác.
     
    Trẻ đủ điều kiện tiêm chủng nếu tất cả đều không có điểm bất thường. Khi có điểm bất thường tại mục 1 và 8 thì chống chỉ định tiêm. Nếu có bất kỳ một điểm bất thường nào tại các mục khác thì nên tạm hoãn tiêm chủng. Với trẻ sơ sinh, cần chú ý thêm vấn đề cân nặng.
     
    Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, cha mẹ cần lưu ý trước và sau khi tiêm vắcxin cho trẻ:
    - Trước khi cho trẻ tiêm vắcxin, cha mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khoẻ trước đây và hiện nay của trẻ để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm phòng.
    - Cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.
    - Các bậc cha mẹ nên chú ý và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc... kéo dài trên 1 ngày.
    - Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.
    - Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
    - Khi trẻ sốt cao, các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt dự phòng ngay sau khi trẻ vừa được tiêm ngừa vì làm như vậy là hoàn toàn không có lợi và đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
    - Chỗ tiêm của trẻ có thể bị sưng đỏ, đau. Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để làm giảm đau cho trẻ.
    - Trẻ có thể bị dị ứng, nổi ban mề đay, ngứa toàn thân…, phản ứng này thường xảy ra ở trẻ có hay bị dị ứng, các biểu hiện dị ứng này thường tự khỏi sau 1 vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu nhiều thì đôi khi phải dùng một số thuốc chống dị ứng.
    - Một số phản ứng khác hiếm gặp hơn như tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não...các phản ứng này thường nặng và cần phải có sự chăm sóc tích cực của thầy thuốc.
    - Sau khi tiêm phòng vẫn cho trẻ tắm rửa, ăn uống như thường lệ, và nên theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé sau một thời gian.

    Theo SKDS