Đề phòng tử vong sốt rét trẻ em
Các địa phương vùng sốt rét lưu hành và vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại cần đề phòng bệnh tấn công đối tượng trẻ em gây hậu quả tử vong.
Các địa phương vùng sốt rét lưu hành và vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại cần đề phòng bệnh tấn công đối tượng trẻ em gây hậu quả tử vong.
Một trường hợp tử vong của bệnh nhi nữ, tên là Pui P. 5 tuổi, người dân tộc Gia Rai, cư trú tại xã Iao Ia, huyện Grai, tỉnh Gia Lai; còn nhỏ và ở với gia đình tại thôn bản, thuộc đối tượng không di biến động đi rừng, ngủ rẫy cùng với cha mẹ. Bệnh khởi phát ở nhà 3 ngày, khi vào bệnh viện được chẩn đoán sốt rét do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, thể tư dưỡng, mật độ ký sinh trùng 4 + (FT++++). Bệnh nhi tử vong trước 24 giờ tại bệnh viện tỉnh Gia Lai với nguyên nhân sốt rét ác tính đa phủ tạng.
Đặc điểm sốt rét trẻ em
Trẻ em là một đối tượng nguy cơ có thể dễ bị mắc bệnh sốt rét nếu không được phòng vệ tốt. Khi bị mắc bệnh, sốt rét ở trẻ em có những đặc điểm tùy thuộc lứa tuổi.
- Trẻ còn bú mẹ dưới 3 - 6 tháng tuổi ít bị mắc bệnh sốt rét và ít tử vong do sốt rét vì trong máu còn huyết sắc tố F (foetus = bào thai). Ngoài ra còn thụ hưởng kháng thể của người mẹ và do bú mẹ nên thiếu chất PABA (para-amino benzoic acid), vì vậy ký sinh trùng sốt rét không tổng hợp được acid folic để phát triển.
Hướng dẫn nhân dân xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình tẩm mùng phòng, chống SXH và sốt rét.Ảnh: Đ.Duẩn |
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên sống tại vùng sốt rét lưu hành có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong do sốt rét thường cao hơn người lớn, cao nhất ở lứa tuổi từ 4 - 5 tuổi.
- Trẻ em ở lứa tuổi từ 1 - 4 tuổi bị mắc bệnh sốt rét, đặc điểm lâm sàng thường hay gặp là có cơn co giật khi có sốt cao, triệu chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra khá phổ biến như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, bụng trướng đầy hơi. Ngoài ra còn bị thiếu máu nhanh, lách sưng dễ dàng, tình trạng rối loạn dinh dưỡng phát triển nhanh. Chu kỳ cơn sốt thường không đều đặn, đôi khi không có giai đoạn rét run, đường huyết thường giảm, hiếm gặp biến chứng nặng ở gan được biểu hiện bằng bilirubin và men SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase), SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase) cao và cũng hiếm gặp biến chứng ở thận với suy thận cấp tính thực thể. Một đặc điểm khác được ghi nhận là bệnh nhi thường hay bị ho và có triệu chứng viêm khí quản, phế quản. Tỷ lệ sốt rét trẻ em ở lứa tuổi này chuyển thành sốt rét ác tính thể não thấp hơn so với người lớn.
Trẻ em là một đối tượng nhạy cảm và có nhiều nguy cơ, khi bị mắc bệnh sốt rét nếu không được cơ sở y tế phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ chuyển sang sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.
Sốt rét ác tính trẻ em
Trẻ em bị sốt rét ác tính thường được biểu hiện bằng các triệu chứng sốt cao, thiếu máu, rối loạn ý thức khi điểm Blantyre dưới 5, hôn mê khi điểm Blantyre bằng hoặc dưới 3, bị co giật, hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa, toan chuyển hóa... Sốt rét ác tính ở trẻ em nếu không được xử trí, điều trị kịp thời sẽ dễ chuyển đến tử vong.
Trong điều trị đặc hiệu, sử dụng thuốc artesunate tiêm. Dùng lọ thuốc có 60mg bột artesunate pha với 1ml natri bicarbonate 5%, lắc kỹ cho bột artesunate tan hoàn toàn, dung dịch trong suốt, sau đó pha thêm 5ml natri chlorure 0,9% để tiêm tĩnh mạch. Dùng liều giờ đầu 2,4mg/kg cân nặng; tiêm nhắc lại 1,2mg/kg cân nặng vào giờ thứ 12 của ngày đầu. Sau đó, mỗi ngày tiêm một liều 1,2mg/kg cân nặng đến khi bệnh nhi tỉnh, có thể uống được, chuyển sang dùng thuốc dihydroartemisinine-piperaquine cho đủ liều điều trị.
Nếu tại cơ sở y tế không có cân trọng lượng, có thể dùng thuốc artesunate tiêm căn cứ theo lứa tuổi được quy định trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trong kỹ thuật pha dung dịch thuốc, việc pha thêm 5ml natri chlorure 0,9% vào lọ thuốc sau khi 60mg bột thuốc đã được hòa tan với ống thuốc 1ml natri bicarbonate 5% với mục đích để chia liều lượng chính xác cho bệnh nhân là trẻ em; cần chú ý đến vấn đề này.
Ngoài điều trị đặc hiệu bằng thuốc sốt rét artesunate tiêm, các cơ sở y tế phải quan tâm đến việc điều trị triệu chứng và biến chứng sốt rét ác tính trẻ em trong nhiệm vụ hồi sức cấp cứu chung nhưng chú ý đến các biện pháp điều trị chống co giật, xử trí hạ đường huyết, xử trí tình trạng thiếu máu và điều chỉnh tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, kiềm toan.
Các cơ sở y tế, kể cả y tế tuyến đầu nên phát động khẩu hiệu hành động “không có sốt rét ác tính, không có tử vong” để tập trung phấn đấu thực hiện tốt việc phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét thể thông thường; nhất là đối tượng trẻ em. Không để sốt rét thể thông thường có điều kiện chuyển sang sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.
(Theo BS.Nguyễn võ hinh // Suckhoe & Doi song)