• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Chấn thương răng ở trẻ em

     Trẻ em là lứa tuổi hiếu động, các bé thường hay gặp những tai nạn liên quan đến chấn thương răng trong sinh hoạt hằng ngày. Khoa Răng trẻ em - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội thường xuyên tiếp nhận và điều trị rất nhiều ca chấn thương có tổn thương răng liên quan đến trẻ em. Hay gặp nhất là các bé đang trong giai đoạn tập đi và các cháu từ 7-12 tuổi.

     Trẻ em là lứa tuổi hiếu động, các bé thường hay gặp những tai nạn liên quan đến chấn thương răng trong sinh hoạt hằng ngày. Khoa Răng trẻ em - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội thường xuyên tiếp nhận và điều trị rất nhiều ca chấn thương có tổn thương răng liên quan đến trẻ em. Hay gặp nhất là các bé đang trong giai đoạn tập đi và các cháu từ 7-12 tuổi.

    Các loại chấn thương răng thường gặp ở trẻ

    Tổng hợp các tài liệu thống kê cho thấy các tai nạn thường xảy ra ở nhà hoặc khi các cháu chơi đùa, thường gặp ở bé trai hơn bé gái. Răng bị tổn thương thường là răng cửa giữa và răng cửa bên hàm trên (cả răng sữa lẫn răng vĩnh viễn), hiếm khi gặp ở các răng cửa dưới hoặc răng nanh, răng hàm… Các bé có răng cửa hàm trên chìa ra phía trước nhiều thường có nguy cơ chấn thương răng cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các bé có khớp cắn bình thường. Các chấn thương dù ở răng sữa hay răng vĩnh viễn nếu không được xử trí kịp thời có khả năng gây ra biến chứng đau, sưng, răng đổi màu, di chứng trên mầm răng vĩnh viễn, rối loạn mọc răng, gây mất thẩm mỹ ở vùng răng phía trước… Do vậy, khi trẻ gặp tai nạn liên quan đến răng, cha mẹ trẻ cần đưa trẻ đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám và điều trị.

    Các chấn thương liên quan đến răng thường gặp là: chấn động răng, gãy, vỡ men răng, gãy thân răng, gãy chân răng, trật khớp răng như lún răng hay trồi răng, răng lung lay, răng di lệch, răng rơi ra ngoài…

    Biện pháp khắc phục

    Đối với răng sữa bị gãy thân răng thì tùy mức độ, nếu đường gãy giới hạn ở men ngà thì mài chỉnh răng và chống ê buốt bằng flour, nếu đường gãy liên quan đến tủy răng thì điều trị tủy hoặc nhổ răng.

    Nếu răng sữa bị gãy thân - chân răng hoặc gãy chân răng thì nên nhổ bỏ.

    Ở răng sữa, nếu răng bị trật khớp thì tùy từng trường hợp sẽ có những hướng xử trí khác nhau. Với những răng bị chấn động nhẹ hoặc bán trật khớp có thể theo dõi và chụp phim kiểm tra. Với răng bị trồi thì đặt lại răng nhẹ nhàng và dùng thuốc kháng sinh chống viêm trong vòng 8 ngày, nhổ răng nếu có cản trở cắn và lung lay. Trường hợp răng lún toàn bộ thì theo dõi, răng có thể mọc lại sau 1-6 tháng, dùng thêm kháng sinh và chống viêm, nếu không được nên nhổ bỏ. Nếu răng bị rơi ra ngoài không cần thiết cắm lại.

    Đối với răng vĩnh viễn bị gãy men răng hoặc men-ngà có thể mài chỉnh và chống ê buốt bằng flour, nếu đường gãy liên quan đến tủy răng thì phải chụp phim xem răng đã đóng chóp hay chưa để có hướng điều trị thích hợp.

    Răng vĩnh viễn bị gãy thân - chân răng, gãy thân răng thì phải xem đường gãy có thuận lợi không, nếu đường gãy thuận lợi có thể điều trị bảo tồn chân răng, nếu không sẽ phải nhổ.

    Các trường hợp trật khớp ở răng vĩnh viễn (lún răng, trồi răng, răng di lệch, răng rơi ra ngoài…) cần phải được chỉnh lại và cố định lại răng, sau đó điều trị tủy. Răng của trẻ ở độ tuổi này thường chưa đóng kín cuống, do vậy khi gặp chấn thương cần phải điều trị đóng kín cuống răng.

    Khi gặp chấn thương răng điều cần thiết nhất là đưa trẻ đến ngay các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt. Cha mẹ cũng cần trang bị một số kiến thức sơ cứu căn bản khi gặp chấn thương răng. Các loại chấn thương răng đều ít nhiều gây chảy máu tại chỗ. Vì vậy việc đầu tiên cha mẹ cần làm là cầm máu cho trẻ bằng một miếng gạc sạch tẩm oxy già, ép sát vào vùng răng bị chấn thương hoặc cho trẻ tự tay cầm miếng gạc, vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch. Nếu là răng vĩnh viễn bị rơi ra khỏi xương ổ răng thì rửa răng bị rơi ra ngoài nhẹ nhàng bằng nước lạnh, nước muối sinh lý cho sạch các chất bẩn (không được chà rửa răng), sau đó cầm răng bị gãy bằng gạc tẩm nước muối sinh lý, có thể đựng răng trong cốc sữa tươi không đường hoặc cho trẻ ngậm răng vào miệng trong thời gian đến bác sĩ nha khoa để cắm lại răng vào xương ổ răng. Cần đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để tủy và mạch máu được tái lập dễ dàng, cấp cứu trong vòng 6 giờ đầu sau tai nạn tỷ lệ thành công có thể lên tới hơn 50%.

    Quan trọng hơn cả, cha mẹ và thầy cô cần để ý bảo vệ và nhắc nhở khi trẻ chơi đùa, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Khi gặp tai nạn ngay lập tức cần đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên về răng hàm mặt để khám và điều trị.

    Theo SKDS