• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Cẩn thận khi dùng phấn rôm cho trẻ

    Mùa hè, trẻ con thường nổi rôm sảy và phấn rôm (còn gọi là phấn thơm) càng được các bậc phụ huynh dùng xoa ngoài da các bé để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi.

    Mùa hè, trẻ con thường nổi rôm sảy và phấn rôm (còn gọi là phấn thơm) càng được các bậc phụ huynh dùng xoa ngoài da các bé để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi.

    Khi thoa phấn rôm, người trông trẻ cần tránh chỗ gió, thoa lượng vừa phải. Ảnh: T.T.D
    Khi thoa phấn rôm, người trông trẻ cần tránh chỗ gió, thoa lượng vừa phải. Ảnh: T.T.D.

    Phấn rôm được sản xuất từ khoáng chất rất mềm là bột talc nghiền mịn. Có nhiều công thức hóa học pha chế phấn rôm tùy nơi sản xuất nhưng thành phần chính vẫn là bột talc, muối calci, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ đến.

    Bệnh hô hấp

    Hằng năm đã có những trẻ sơ sinh chết hoặc bị bệnh đường hô hấp nghiêm trọng sau khi hít phải bột phấn rôm vì bột talc không tan trong nước, không bị phân hủy bởi vi khuẩn, khi tích tụ trong phổi sẽ gây tắc nghẽn đường thở của trẻ ở nhiều mức độ.

    Trẻ hít phải phấn rôm sẽ bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái và có thể bị phù phổi. Biểu hiện lâm sàng thường nặng dần theo thời gian. Hít phải phấn rôm bôi da lâu ngày còn có thể gây “bệnh bụi phổi” do thành phần bột talc, silica và amian tích tụ lâu ngày trong phổi, gây xơ hóa mô kẽ và tạo các u hạt.

    Các biện pháp loại thải độc chất thông thường không có tác dụng đối với ngộ độc do hít phải phấn rôm. Bệnh chỉ có thể điều trị triệu chứng và không có thuốc giải độc đặc hiệu. Ngoài ra, đối với các bé gái, việc sử dụng phấn rôm trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao gấp bốn lần so với những trẻ bình thường khác.

    Các nhà khoa học giải thích sở dĩ phấn rôm có liên quan tới khối u ác tính ở buồng trứng là do cấu tạo cơ thể bé gái. Hố chậu và bộ phận sinh dục bên trong của nữ thông với bên ngoài, do đó bụi phấn, chất ô nhiễm siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu thông qua âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Khi thoa phấn rôm vào vùng bụng dưới của bé gái, các hạt bụi phấn li ti sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể và nhiễm vào âm đạo của bé.

    Hiện nay, dù chưa đưa ra kết luận chính thức về tác động gây ung thư buồng trứng của phấn rôm nhưng các nhà khoa học vẫn lên tiếng cảnh báo các bậc cha mẹ nên thận trọng, tốt nhất không nên sử dụng phấn rôm thoa vào phần bụng dưới của bé gái.

    “Chọn mặt gửi vàng”, thao tác cẩn thận

    Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn các sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại. Không mua các sản phẩm phấn rôm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc sản xuất hoặc nhập lậu vì rất có thể gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng. Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ.

    Trong lúc sử dụng, người chăm sóc trẻ cần cẩn thận vì chỉ một lượng phấn rất nhỏ xâm nhập cũng có thể gây tổn hại đến mắt và chức năng hô hấp của trẻ. Và như đã nói, tuyệt đối không được thoa phấn rôm lên mặt hay mắt của trẻ và vùng hội âm của bé gái (mặt trong đùi, quanh âm hộ, bụng dưới) để ngừa khả năng có thể gây ung thư.

    Tránh bôi phấn cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt; không thoa phấn lên vùng da bị hăm hay đang bị viêm nhiễm; sau khi sử dụng phải đậy nắp lại cẩn thận và để ngoài tầm tay của trẻ; không cho trẻ được cầm chơi lọ phấn rôm.

    Xử trí và phòng tránh rôm sảy

    Phòng tránh rôm sảy tốt có thể hạn chế việc sử dụng phấn rôm cho trẻ.

    Nên tránh cho trẻ đến nơi đông đúc, nóng nực, ngột ngạt. Quần áo, tã lót của trẻ cần dùng loại vải sợi cotton mỏng, thấm mồ hôi tốt, may rộng, thoáng; không nên dùng các loại sợi nilông tổng hợp, khó hút ẩm. Thay quần áo thường xuyên cho trẻ, nếu cơ thể trẻ không bị nóng nực và ít tiết mồ hôi thì rôm sảy có thể khỏi nhanh chóng.

    Tránh cho trẻ ra ngoài vào những giờ nắng gắt - khoảng 10g-15g, nếu có việc phải ra ngoài cần đội mũ rộng vành, mặc áo quần che kín làn da của bé.

    Tắm thường xuyên cho trẻ để giúp cơ thể thoáng mát, làn da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Có thể tắm bằng thuốc tím pha loãng, sữa tắm hay xà phòng loại dành riêng cho trẻ em.

    (Theo Tuổi Trẻ)