• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Cách chăm sóc khi trẻ bị sởi

    Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

     Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

    Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng..

    Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc và phòng bệnh sởi cho trẻ của Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

    Chăm sóc trẻ bị sởi

    - Cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người

    - Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, đủ ánh sáng.

    - Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ.

    - Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió.

    - Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 9% hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.

    - Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giàu vitamin đặc biệt là vitamin A

    - Cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải.

    - Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao.

    - Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

    - Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi để được khám và điều trị kịp thời.

    Một số dấu hiệu nặng của bệnh:

    - Trẻ mệt, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú

    - Sốt cao, ho nhiều, thở nhanh, khó thở, tiêu chảy…

    - Ban lặn hết mà trẻ còn sốt.

     Phòng bệnh cho trẻ

    Phòng bệnh chủ động bằng vắcxin:

    - Tiêm chủng 2 mũi vắcxin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

    - Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

    Phòng bệnh chung:

    - Cách ly bệnh nhân sởi, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, hạn chế tập trung nơi đông người.

    - Người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân sởi, nhân viên y tế cần sử dụng khẩu trang y tế.

    - Nâng cao thể trạng, ăn uống dinh dưỡng đủ.

    Tiêm phòng sởi đầy đủ là cách duy nhất phòng tránh sởi cho trẻ

    Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sởi là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao tôi không muốn nói là lây gần như 100% và tất cả trẻ bị nhiễm với vi rút sởi là có biểu hiện lâm sàng. 

    Vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở chứ không nên đi thẳng lên bệnh viện tuyến Trung ương để có được hướng dẫn điều trị hợp lý. Thực tế hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng có đủ năng lực điều trị bệnh sởi và có đủ giường bệnh để thực hiện việc cách ly, phòng chống lây nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. 

    Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên trong khả năng điều trị của mình để tránh các trẻ em bị mắc các bệnh khác mà không bị mắc sởi sẽ dễ bị lây nhiễm sởi khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi (kể cả ngay từ phòng khám bệnh chứ chưa cần vào điều trị trong bệnh phòng), hoặc ngược lại, các trẻ em mắc sởi nhẹ chỉ cần điều trị tuyến dưới nếu lên tuyến trên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nặng hơn vì tuyến trên bao giờ cũng có bệnh nhân nặng và nguy hiểm về đó điều trị.

    Trong lúc này mặc dù đã cố gắng hết sức, bệnh viện tuyến Trung ương đã quá tải rất nhiều, không đủ giường bệnh để thực hiện cách ly, phòng chống lây nhiễm nên nguy cơ nhiễm vi rút sởi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong bệnh viện là rất lớn. Thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi đã dành các phòng làm việc của bác sỹ cho điều trị bệnh nhân sởi, số trẻ phải nằm ghép vẫn cao, điều này không thể đảm bảo việc phòng chống lây nhiễm chéo. 

    Vì thế, người dân nên khám cho con tại các bệnh viện tuyến cơ sở, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc theo dõi sát diễn biến của con mình để báo cho các thầy thuốc điều trị kịp thời, đồng thời các gia đình cũng lưu ý trong việc chăm sóc về dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ mắc các biến chứng do sởi gây ra. Để trẻ em không mắc sởi, biện pháp duy nhất là các bà mẹ phải đưa con em đi tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng lịch.

    Theo vnmedia