7 cách giúp nâng cao khả năng tập trung của trẻ
Những năm đầu đời là khoảng thời gian rất thích hợp để phát triển khả năng tập trung đó cho trẻ, vì vậy mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội này.
Những năm đầu đời là khoảng thời gian rất thích hợp để phát triển khả năng tập trung đó cho trẻ, vì vậy mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội này.
Chúng ta thường không nghĩ tới những yếu tố có thể làm mất tập trung ở trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chủ yếu là do chúng ta không để ý đến những giá trị hành động mà trẻ làm. Nhưng chúng ta lại muốn chúng trở thành những người ham học hỏi và thành đạt. Chúng ta muốn trẻ biết cách kiên trì lắng nghe trong lớp học và có khả năng giải quyết tình huống và theo đuổi những ước mơ của chúng. Chúng ta muốn trẻ phát triển khả năng tập trung một cách tự nhiên, những năm đầu đời là khoảng thời gian rất thích hợp để phát triển khả năng tập trung đó cho trẻ.
Đây là 7 cách để nâng cao khả năng tập trung của trẻ:
1. Hạn chế tối đa các trò chơi giải trí và những yếu tố gây kích thích
Trẻ em là “sản phẩm” của thói quen. Nếu cho trẻ em tiếp xúc nhiều với những trò chơi giải trí từ nhỏ, chúng sẽ trở nên quen với những điều như vậy chứ không tự mình khám phá môi trường xung quanh một cách tự nhiên nữa. Các yếu tố kích thích liên tục sẽ dẫn đến những ông bố, bà mẹ luôn luôn tỏ ra mệt mỏi và những đứa trẻ quá khích và chóng chán tất cả mọi thứ. Các chuyên gia trẻ em cho rằng trẻ không tự nhiên tỏ ra buồn chán mà là do cha mẹ gây ra. Trẻ luôn luôn cảm thấy thích thú với những chuyển động của cơ thể, những cảnh vật, âm thanh mùi vị và những điều thú vị của cuộc sống mà người lớn chỉ cho trẻ. Chúng cần những khoảng thời gian liên tục để trải nghiệm và khám phá những điều đó.
2. Không TV hay video trong hai năm đầu đời
TV và video là những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng tập trung của trẻ vì nó làm lấn át sự tập trung của trẻ hơn là khuyến khích trẻ rèn luyện khả năng tập trung của mình. Hãy thử tưởng tượng về sức lôi cuốn của một chiếc màn hình TV được đặt trong một nhà hàng. Bạn có thể đang ngồi với những người hấp dẫn, lôi cuốn nhất trên thế giới nhưng rồi cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng mắt của mình cũng sẽ dừng ở chiếc TV đó mà thôi.
3. Một không gian an toàn
Trẻ cần có một không gian thật sự an toàn để có thể duy trì một khoảng thời gian tập trung dài. Ban đầu có thể là một cái nôi sau đó là một cái cũi và cuối cùng là một khu vui chơi có cổng chắn. Một khoảng không gian quá rộng với những đồ vật không an toàn với trẻ không thể là một nơi lý tưởng để trẻ có thể rèn luyện khả năng tập trung của mình được. Trẻ không thể chơi trong một thời gian dài mà không có sự can thiệp của bố mẹ khi xung quanh chúng có quá nhiều đồ vật không đảm bảo an toàn.
4. Đồ chơi, đồ vật đơn giản và mang tính gợi mở
Trừ khi bị phân tâm, trẻ nhỏ có xu hướng thích khám phá từng milimét của một vật thể đơn giản, ví dụ: những hoạ tiết in trên chiếc khăn. Chúng có thể thử nghiệm với nhiều cách như cầm khăn vẫy, cho vào miệng, đặt lên mặt hoặc vo nó lại thành quả bóng… Chúng sẽ chán hay trở nên quá khích với những đồ vật mà chúng không thể hiểu được hay những thứ đồ chơi mà chúng sẽ phải thụ động để nhìn, để nghe và có một chức năng duy nhất như: điện thoại đồ chơi, đồ chơi lên dây cót… Những loại đồ chơi này thu hút sự chú ý của trẻ chứ không có tác dụng nâng cao khả năng tập trung và khám phá của trẻ. Điều này cũng tương tự như TV và video.
5. Hãy quan sát và đừng can thiệp
Quan sát cách mà trẻ lựa chọn hoạt động khiến chúng ta biết rằng trẻ không chỉ nằm đấy mà thực sự là nó đang làm một điều gì đó. Điều này thỉnh thoảng là khi trẻ nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn lên quạt trần hay quan sát những hạt bụi dưới ánh nắng mặt trời. Bất kể khi nào chúng ta làm gián đoạn suy nghĩ của trẻ là chúng ta đã làm ảnh hưởng tới sự tập trung của chúng. Khi chúng ta quan sát, chúng ta có thể nhận thấy những khoảng dừng trong hành động của trẻ. Ví dụ khi bé thôi không nhìn quả bóng nữa mà đưa ngón tay ra để chỉ và nhìn về phía bạn thì lúc đó bạn có thể bế bé đi thay bỉm mà không phải đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ cũng như là ảnh hưởng tới quá trình tư duy của chúng.
6. Trẻ cần có sự lựa chọn
Đơn giản là vì trẻ sẽ tỏ ra thích thú với những thứ mình chọn hơn là những thứ chúng ta chọn cho trẻ. Do đó, hãy cho trẻ lựa chọn chơi những điều mà chúng muốn trong môi trường vui chơi của chúng hơn là “chỉ đạo” chúng với những lựa chọn của người lớn. Điều này sẽ tạo điều kiện để khuyến khích những đam mê của trẻ và phát triển khả năng tập trung cao hơn. Những đứa trẻ có nhiều cơ hội lựa chọn những hoạt động mà chúng thích có khả năng tập trung hơn trong những tình huống sau này.
7. Không khuyến khích mất tập trung
Thông thường, khi bố mẹ muốn trẻ làm một việc gì đó chúng ta thường sử dụng một thứ đồ chơi để đánh lạc hướng trẻ, tuy nhiên đây là một cách dạy cho trẻ KHÔNG tập trung. Việc thay bỉm, tắm và ăn uống không phải là một công việc nhàm chán, vô bổ đối với một đứa trẻ. Trẻ em thích tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng. Chúng muốn tham gia vào từng bước của những việc liên quan đến chúng càng nhiều càng tốt. Khi chúng ta dạy trẻ rằng trẻ không nên để ý đến những hoạt động mà chúng đóng vai trò chủ thể thì làm thế nào mà chúng ta có thể hy vọng chúng sẽ phát triển khả năng tập trung một cách lành mạnh được.
Khả năng tập trung trong một thời gian dài để đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu thật kỹ một sự vật hay một hiện tượng cần phải được phát triển và nâng cao cũng giống như một khối cơ bắp. Tôi không tỏ ra là một tiến sỹ nhưng tôi cho rằng môi trường gia đình thuận lợi cho sự tập trung, chú ý có thể có một tác động tích cực và thậm chí có thể ngăn ngừa chứng suy giảm khả năng chú ý của trẻ.
Tập trung là sức mạnh. Khả năng tập trung dài là rất cần thiết cho những thành công trong học tập, thể thao và sáng tạo. Những người biết cách lắng nghe chăm chú là những người bạn, người bạn đời, những bậc cha mẹ tốt nhất trong tương lai.
Theo afamily.vn